Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền phòng, chống tệ nạn mại dâm cho sinh viên trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

Thứ ba - 24/11/2020 10:51

Ngày 24/4/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp ban hành Kế hoạch số 96/KH-UBND về phòng chống tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp năm 2020.

Kế hoạch đã đưa ra các chỉ tiêu thực hiện phòng, chống tệ nạn mại dâm như:

- 100% người dân được tuyên truyền, giáo dục về tệ nạn mại dâm để nâng cao nhận thức, nhận biết được tác hại và ảnh hưởng của tệ nạn mại dâm đến đời sống xã hội; tạo sự đồng thuận trong phòng, chống mại dâm và có thái độ, hành vi tình dục lành mạnh, an toàn, phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS.

- 100% xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch lồng ghép và tổ chức, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm với các chương trình KT-XH tại địa phương như chương trình giảm nghèo, dạy nghề cho lao động nông thôn, chương trình việc làm, phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống tội phạm ma túy, mua bán người.

- 100% số xã, phường, thị trấn được hướng dẫn thực hiện các tiêu chí đánh giá, xếp loại xã, phường, thị trấn về công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; duy trì 100% số xã, phường, thị trấn không có tệ nạn mại dâm theo kết quả phân loại năm 2019.

- 100% các tụ điểm hoạt động mại dâm phát hiện được triệt phá; đấu tranh, xử lí nghiêm minh những cá nhân, tổ chức hoạt động kinh doanh có biểu hiện liên quan đến tệ nạn mại dâm và các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh có điều kiện.

- 100% cán bộ trực tiếp làm công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm được tập huấn, nâng cao năng lực về tổ chức điều hành, phối hợp liên ngành và giám sát, đánh giá kết quả trong công tác phòng, chống mại dâm.

Để đạt được các chỉ tiêu trên, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn mại dâm xâm nhập vào môi trường học đường, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự cũng như lối sống của học sinh, sinh viên thì rất cần sự tham gia của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, các nhà trường và cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp cần phải thường xuyên đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phòng, chống tệ nạn mại dâm trong học đường với phương châm “Phòng hơn chống”, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng đơn vị, địa phương. Có thể kể đến một số hình thức tuyên truyền phòng, chống tệ nạn mại dâm trong học đường như tuyên truyền trực tiếp thông qua các hội nghị, chuyên đề, tập huấn, thông tin lưu động, biểu diễn nghệ thuật có lồng ghép tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn mại dâm, phát hành tờ rơi, nhân rộng và duy trì các mô hình quần chúng tham gia phòng ngừa tội phạm… Sau đây là một số hình thức tuyên truyền phòng, chống tệ nạn mại dâm cho sinh viên trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

1. Tuyên truyền phòng, chống tệ nạn mại dâm thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề

Đồng Tháp có số lượng sinh viên đông đảo đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau theo học tại các trường cao đẳng và đại học trên địa bàn tỉnh như Trường Đại học Đồng Tháp, Trường Cao đẳng Y tế Đồng Tháp, Trường Cao đẳng nghề Đồng Tháp, Trường Cao đẳng Cộng đồng,… Các nhà trường và các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thường xuyên lồng ghép các chủ đề về phòng, chống tệ nạn xã hội, ma túy, mại dâm, vào các buổi sinh hoạt chuyên đề như Tuần sinh hoạt công dân học sinh, sinh viên. Theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tổ chức “Tuần sinh hoạt công dân học sinh, sinh viên” trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, vào đầu năm học, các nhà trường và các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Đồng tháp đã tổ chức “Tuần sinh hoạt công dân học sinh, sinh viên”. Tuần lễ sinh hoạt công dân học sinh, sinh viên đầu năm sẽ giúp sinh viên nắm bắt được tình hình phát triển Nhà trường và nhiệm vụ năm học mới; phương pháp học tập ở đại học, cao đẳng, xây dựng kế hoạch học tập toàn khóa, kế hoạch học tập từng học kì và rèn luyện của sinh viên; công tác Đoàn, Hội và phong trào thanh niên trường học. Ngoài ra, các em còn được phổ biến Quy chế công tác sinh viên, chế độ chính sách và chăm sóc sức khỏe, Quy chế quản lí sinh viên nội trú, ngoại trú; những vấn đề cần lưu ý trong quá trình học tập, rèn luyện và chấp hành quy định của Nhà trường và đặc biệt là các kiến thức về công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn; công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội như tệ nạn ma túy, mại dâm. Các buổi sinh hoạt đã trang bị cho các em sinh viên khóa cũ và khóa mới những kiến thức cần thiết, những thông tin bổ ích để các em thêm tự tin bước vào năm học mới hứa hẹn nhiều thành công và tránh xa các tệ nạn xã hội như mại dâm, ma túy…

Một số nội dung tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tệ nạn mại dâm được phổ biến cho sinh viên các trường cao đẳng, đại học, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề trong tuần lễ sinh hoạt công dân học sinh, sinh viên bao gồm:

- Tuyên truyền, giáo dục truyền thống văn hoá, đạo đức, lối sống lành mạnh.

- Tác hại nhiều mặt của tệ nạn mại dâm đối với xã hội, đối với danh dự, nhân phẩm, sức khỏe con người; ảnh hưởng đến vấn đề bình đẳng giới, đến chiến lược phát triển con người ở Việt Nam.

- Các biện pháp phòng, chống tệ nạn mại dâm.

- Các chủ trương, chính sách và pháp luật phòng, chống mại dâm.

- Các biện pháp, các mô hình, kinh nghiệm về phòng, chống mại dâm.

- Các hình thức xử lí vi phạm pháp luật về mại dâm.

- Trách nhiệm của công dân trong phòng, chống tệ nạn mại dâm.

2. Tổ chức kí cam kết không vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm và tích cực phòng mại dâm trong học đường cho sinh viên

Các nhà trường và các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã triển khai cho sinh viên ký cam kết không tham gia vào hoạt động mại dâm, không vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm. Theo Báo cáo tổng kết kế hoạch số 25/KH-UBND ngày 29/01/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp về phòng, chống thanh thiếu niên vi phạm pháp luật giai đoạn 2016-2020 đã tổ chức cho 20.000 học sinh, đoàn viên, thanh niên kí cam kết không vi phạm pháp luật, không tham gia tệ nạn xã hội, tệ nạn mại dâm.

Việc ký cam kết không vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm và tích cực phòng chống ma túy, mại dâm trong học đường thường được thực hiện thông qua các tổ chức Đoàn, Hội trong nhà trường. Các đoàn viên sinh viên được hướng dẫn, tuyên truyền về công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm, từ đó tự nguyện ký cam kết và tham gia tích cực vào công tác phòng chống ma túy, mại dâm trong học đường.

Hoạt động này có ý nghĩa quan trọng, góp phần đẩy lùi tệ nạn mại dâm trong học đường và góp phần thực hiện kế hoạch số 96/KH-UBND của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp về phòng chống tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp năm 2020, đó là: 100% người dân được tuyên truyền, giáo dục về tệ nạn mại dâm để nâng cao nhận thức, nhận biết được tác hại và ảnh hưởng của tệ nạn mại dâm đến đời sống xã hội, tạo sự đồng thuận trong phòng, chống mại dâm và có thái độ, hành vi tình dục lành mạnh, an toàn, phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS.

3. Phối hợp với gia đình, cơ quan, tổ chức và Uỷ ban nhân dân địa phương quản lí và giáo dục học sinh, sinh viên, học viên về phòng, chống mại dâm

Để công tác tuyên truyền phòng, chống mại dâm trong học đường đạt hiệu quả, cần phải có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong công tác quản lí và giáo dục học sinh, sinh viên. Điều đó có nghĩa là, công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm phải được thực hiện đồng bộ ở gia đình, nhà trường và xã hội. Các nhà trường và các cơ sở giáo dục tích cực phối hợp với gia đình của học sinh, sinh viên thông qua đội ngũ cố vấn học tập, giáo viên chủ nhiệm, bí thư đoàn trường,… để nắm bắt kịp thời diễn biến tư tưởng, tinh thần thái độ học tập, rèn luyện của học sinh, sinh viên; phối hợp với Ban đại diện phụ huynh học sinh, trao đổi thông tin, hỗ trợ phụ huynh học sinh về kiến thức, phương pháp giáo dục con em; kịp thời báo cáo tình hình học sinh, sinh viên với hiệu trưởng nhà trường để kịp thời chỉ đạo, phối hợp giải quyết.

4. Tổ chức các hoạt động đoàn, hội đa dạng, phong phú thu hút sự tham gia của sinh viên để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt kì vọng rất lớn vào thanh niên, Người từng dạy: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần là do thanh niên”.

Trong điều kiện hội nhập hiện nay thanh niên nhanh chóng thích nghi với tình hình và nhiệm vụ mới, có thái độ và ý thức chính trị - xã hội, tinh thần tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, quan tâm và có trách nhiệm hơn đối với những vấn đề của quê hương, đất nước; đã và đang có mặt ở những nơi khó, những lĩnh vực có nhiều thử thách đòi hỏi trí tuệ, sức sáng tạo và nhiệt huyết của tuổi trẻ.

Tuy nhiên, trong điều kiện hội nhập, tiếp xúc với nhiều luồng thông tin đa dạng, thanh niên đang chịu sự tác động nhiều chiều của đời sống xã hội. Còn một bộ phận thanh niên chưa tích cực, ngại rèn luyện, thích đua đòi, sống ích kỉ, thực dụng, thờ ơ với sinh hoạt chính trị, không quan tâm đến cộng đồng, thích hưởng thụ nên đã sa vào các tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật,vi phạm pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm.

Trước thực tế đó, các tổ chức Ðoàn, Hội của Thanh niên phải trở thành người bạn thân thiết, đồng hành cùng sinh viên, góp phần giải quyết những vấn đề liên quan đến lợi ích chính đáng của thanh niên trong học tập, việc làm, nâng cao thu nhập, chăm sóc sức khỏe và vui chơi giải trí, nhằm tạo môi trường, điều kiện cho tuổi trẻ rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành. Các tổ chức Đoàn, Hội phải động viên, khuyến khích học sinh, sinh viên, học viên tích cực tham gia vào các hoạt động tuyên truyền, giáo dục phòng, chống mại dâm.

Thực tiễn trong những năm qua cho thấy, số đoàn viên sinh niên đứng ngoài tổ chức chiếm tỉ lệ không nhỏ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như: Sinh viên chưa thấy được vai trò to lớn của tổ chức Đoàn, Hội, tổ chức Đoàn, Hội ở một số nơi chưa phát huy vai trò, chức năng của mình trong việc tạo ra những hoạt động tích cực đối với sinh viên.

Muốn làm cho đoàn viên sinh viên yêu tổ chức của mình hơn, các cơ sở Đoàn cần đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đoàn viên sinh viên. Trong công tác này, lấy trọng tâm là giáo dục lí tưởng sống, định hướng một cách đúng đắn lí tưởng cho họ. Bằng nhiều hình thức khác nhau, các cơ sở Đoàn, Hội cần chú ý thắp sáng ước mơ và hoài bão cho thanh niên, giáo dục động cơ đúng đắn cho họ. Từ đó tác động vào tâm lí cũng như nhu cầu được phấn đấu, nhu cầu được cống hiến, nhu cầu cần được chia sẻ và giúp đỡ. Khi ấy, tổ chức chính là môi trường hoạt động tốt đẹp nhất trong việc phát huy sức trẻ trong họ.

Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến một số sinh viên không mặn mà với tổ chức là do nhận thức, muốn hưởng thụ, làm giàu mà không muốn cống hiến cho Tổ quốc. Bởi vậy, trong quá trình tổ chức các hoạt động công tác Đoàn và phong trào thanh niên, các cơ sở Đoàn, Hội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của đoàn viên thanh niên, hội viên về vai trò của tổ chức Đoàn, Hội đối với bản thân mỗi bạn trẻ; ý nghĩa của việc tham gia các hoạt động phong trào nhằm khơi dậy sức trẻ của mỗi người, giúp cho mỗi đoàn viên thanh niên trưởng thành, năng động hơn, phát huy được năng lực của bản thân và có cơ hội được trải nghiệm qua những khó khăn, thử thách.

Các cơ sở Đoàn, Hội cần tích cực tổ chức các diễn đàn dành cho tuổi trẻ để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên thanh niên và trao đổi những vấn đề liên quan đến công tác thanh niên. Đẩy mạnh tổ chức các phong trào thanh niên như: Phong trào thanh niên xung kích, tình nguyện chung sức cùng cộng đồng; phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp; phong trào tuổi trẻ sáng tạo; tuổi trẻ xung kích bảo vệ tổ quốc. Và đặc biệt là cuộc vận động “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Cụ thể hóa bằng các hoạt động, phong trào cụ thể gắn với thực tiễn đời sống của đoàn viên thanh niên. Có như vậy mới thực sự thiết thực khơi dậy sức trẻ, sự cống hiến trong con người mỗi đoàn viên thanh niên.

Nhằm đồng hành cùng đoàn viên thanh niên, các cơ sở Đoàn, Hội cần tích cực tổ chức các chương trình như: Chương trình đồng hành với sinh viên trong học tập, nghiên cứu khoa học, làm chủ công nghệ; Chương trình đồng hành với sinh viên khởi nghiệp, lập nghiệp; Chương trình đồng hành với sinh viên phát triển kĩ năng xã hội, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần.

Bên cạnh đó, các cơ sở Đoàn, Hội trong công tác tập hợp và đoàn kết thanh niên cần làm tốt công tác thi đua khen thưởng đối với đoàn viên thanh niên. Cần phát hiện và khen thưởng kịp thời những gương đoàn viên sinh viên điển hình tiên tiến, tích cực trong công tác tuyên truyền phòng, chống tệ nạn mại dâm và nhân rộng các điển hình ấy.

Sinh viên luôn có nhu cầu được phát huy năng lực và nguyện vọng cá nhân. Trong công tác tập hợp thanh niên, các cơ sở Đoàn cần tạo ra những hoạt động để đoàn viên thanh niên bộc lộ, phát huy và tự phát huy những năng lực còn tiềm ẩn trong bản thân họ. Muốn vậy, ngoài việc nói cho thanh niên nghe, chúng ta cần để cơ hội cho thanh niên được nói, thanh niên được làm, thanh niên được cống hiến và phục vụ. Thông qua việc tổ chức các cuộc thi sáng tạo thanh niên, phát minh, sáng chế thanh niên rồi các hội thi văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao, qua đó sẽ phát hiện được năng lực cũng như trí tuệ của thanh niên.

Một trong những điểm cần lưu ý trong tổ chức Đoàn, Hội đó là phải giúp đỡ những đoàn viên sinh viên lầm lỡ, sai lệch về định hướng lí tưởng trở lại với những điều tốt đẹp hơn, giúp họ nhận ra sai lầm của mình, thấy được vấn đề cần phải khắc phục ngay để có được định hướng đúng đắn.

5. Tổ chức chiếu phim kết hợp chiếu các tư liệu về phòng, chống mại dâm cho học sinh, sinh viên

Các nhà trường và các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh lên kế hoạch và tổ chức các buổi chiếu phim kết hợp chiếu các tư liệu về phòng, chống ma túy, phòng chống mại dâm cho học sinh, sinh viên theo tuần, theo tháng, theo quý… Một số bộ phim liên quan tới nội dung tuyên truyền phòng, chống tệ nạn mại dâm như “Phi vụ cuối cùng”, “Hạt mưa sa”, “Lũy thép biên cương”, “Hoa rừng”, “Nước mắt người cha”…; tiểu phẩm “Hãy tin ở con”, “Tiếng khèn trên đỉnh núi”, “Cảnh tỉnh”…

Thông qua các buổi chiếu phim kết hợp chiếu các tư liệu về phòng, chống mại dâm, sinh viên sẽ nâng cao nhận thức về phòng, chống mại dâm, góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền phòng, chống mại dâm trong môi trường học đường.

6. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, thi sân khấu hóa về phòng, chống tệ nạn mại dâm

Bên cạnh công tác tuyên truyền thì các nhà trường và các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thường xuyên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm trong học đường. Đoàn viên, sinh viên được tham gia vào các sân chơi, các hội thi tiểu phẩm văn nghệ phòng chống mại dâm trong học sinh, sinh viên. Các cá nhân, các đội thi xây dựng kịch bản, các tiết mục văn nghệ nhằm tuyên truyền, tẩy chay và tiến tới đẩy lùi các tệ nạn này ra khỏi học đường làm cho môi trường giáo dục trở nên an toàn và lành mạnh hơn. Thông qua các tiểu phẩm, các đoàn viên sinh viên đã truyền tải được các mặt trái của tệ nạn mại dâm bằng hình thức sân khấu hóa sinh động để giáo dục, răn đe, lên án, tẩy chay các tệ nạn xã hội thâm nhập vào học đường.

7. Nhà trường và các cơ sở giáo dục gắn kết với các đơn vị Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh thường xuyên có các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao

Kết hợp cùng các đơn vị tham gia các hoạt động tình nguyện hè, lồng ghép các chuyên đề về tuyên truyền phòng chống ma túy, tệ nạn mại dâm tới các bà con dân bản vùng biên giới. Qua đó, giúp cho mỗi đoàn viên sinh viên trở thành một tuyên truyền viên tích cực trong công tác xã hội với cộng đồng.

Ngoài ra, các nhà trường và các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh còn tổ chức tập huấn, nói chuyện chuyên đề về phòng, chống mại dâm cho học sinh, sinh viên, thành lập các mô hình như đội tự quản Ký túc xá, đội Văn minh học đường, thường xuyên nắm bắt tình hình đoàn viên sinh viên nội ngoại trú thông qua phòng PA83, công an tỉnh, công an Phường để kịp thời giáo dục các đoàn viên, sinh viên có biểu hiện tham giam vào hoạt động mại dâm.

Bằng nhiều hình thức hoạt động đa dạng, hấp dẫn, công tác phòng, chống mại dâm và các tệ nạn xã hội trong đoàn viên sinh viên đã đạt được nhiều thành quả tích cực, phấn đấu không có sinh viên phạm tội về mại dâm, tạo tiền đề để các trường Đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh xây dựng tốt công tác an toàn trật tự trường học.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Hỗ trợ

Bạn thấy website này như thế nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây