Vai trò của nhà trường và các cơ sở giáo dục trong công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật về phòng, chống mại dâm cho học sinh, sinh viên ở tỉnh Đồng Tháp

Thứ hai - 16/11/2020 13:03

Nhằm thực hiện Quyết định số 01/QĐ-LĐTBXH ngày 02/01/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; Quyết định số 361/QĐ-TTg ngày 07/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020; Ngày 24/4/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp ban hành Kế hoạch số 96/KH-UBND về phòng chống tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp năm 2020.

Theo đó, kế hoạch đưa ra các chỉ tiêu thực hiện phòng, chống tệ nạn mại dâm, cụ thể như sau:

- 100% người dân được tuyên truyền, giáo dục về tệ nạn mại dâm để nâng cao nhận thức, nhận biết được tác hại và ảnh hưởng của tệ nạn mại dâm đến đời sống xã hội; tạo sự đồng thuận trong phòng, chống mại dâm và có thái độ, hành vi tình dục lành mạnh, an toàn, phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS.

- 100% xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch lồng ghép và tổ chức, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm với các chương trình KT-XH tại địa phương như chương trình giảm nghèo, dạy nghề cho lao động nông thôn, chương trình việc làm, phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống tội phạm ma túy, mua bán người.

- 100% số xã, phường, thị trấn được hướng dẫn thực hiện các tiêu chí đánh giá, xếp loại xã, phường, thị trấn về công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; duy trì 100% số xã, phường, thị trấn không có tệ nạn mại dâm theo kết quả phân loại năm 2019.

- 100% các tụ điểm hoạt động mại dâm phát hiện được triệt xóa; đấu tranh, xử lí nghiêm minh những cá nhân, tổ chức hoạt động kinh doanh có biểu hiện liên quan đến tệ nạn mại dâm và các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh có điều kiện.

- 100% cán bộ trực tiếp làm công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm được tập huấn, nâng cao năng lực về tổ chức điều hành, phối hợp liên ngành và giám sát, đánh giá kết quả trong công tác phòng, chống mại dâm.

Để đạt được các chỉ tiêu trên, cần sự phối kết hợp của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị trong toàn tỉnh, trong đó không thể không nhắc tới vai trò của nhà trường và các cơ sở giáo dục trong công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật về phòng, chống mại dâm cho học sinh, sinh viên. Có thể kể đến một số vai trò cụ thể của nhà trường và các cơ sở giáo dục trong công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật về phòng, chống mại dâm cho học sinh, sinh viên như sau:

1. Cung cấp thông tin về tình hình tội phạm mại dâm: Các nhà trường và các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm cung cấp cho học sinh, sinh viên, học viên của mình những thông tin về tình hình tội phạm mại dâm trong nước, trong tỉnh bằng nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là tình hình tội phạm mại dâm trong học sinh, sinh viên, học viên.

Theo Báo cáo số 125/BC-SLĐTBXH Đồng Tháp ngày 30/6/2020 về kết quả thực hiện Dự án 4 Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020 và phương hướng giai đoạn 2021-2025, hiện nay tình hình tệ nạn mại dâm ở tỉnh Đồng Tháp có nhiều diễn biến phức tạp, biểu hiện dưới nhiều hình thức kinh doanh trá hình, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi và đa dạng. Các đối tượng hoạt động mại dâm hiện nay có biểu hiện công khai hơn, khi bị phát hiện chỉ phạt vi phạm hành chính, từ đó các đối tượng ngang nhiên lách luật thực hiện hành vi trao đổi, ngã giá để mua bán dâm. Qua rà soát, thống kê trên địa bàn tỉnh hiện có 1.847 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm với trên 1.731 nhân viên. Tội phạm liên quan đến mại dâm có chiều hướng ngày một gia tăng, trong đó tội phạm liên quan đến mại dâm có cả học sinh, sinh viên, học viên các trường, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Trước thực tế trên, hoạt động cung cấp thông tin về tình hình tội phạm mại dâm sẽ giúp cho học sinh, sinh viên, học viên trong các nhà trường, các cơ sở giáo dục nhận định được tình hình tội phạm mại dâm đang diễn ra trong xã hội, trong môi trường học đường để từ đó có trách nhiệm trong phòng, chống tệ nạn mại dâm.

2. Tuyên truyền về tác hại, hệ lụy của tệ nạn mại dâm đối với học sinh, sinh viên, học viên: Cũng như tất cả các loại tệ nạn xã hội khác, mại dâm là một tệ nạn xã hội trái với đạo đức, thuần phong mĩ tục của dân tộc, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, giống nòi, đời sống vật chất và văn hóa của dân tộc, trật tự an toàn xã hội và gây ra nhiều tác hại về mọi mặt như bệnh tật, suy kiệt sức khỏe con người và hậu quả cho cơ thể, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế đất nước…

Trước hết về sức khỏe: Tệ nạn mại dâm làm tăng nguy cơ lây nhiễm AIDS/HIV rất cao. Theo nghiên cứu của Trường Y tế cộng đồng Johns Hopkins ở Baltimore, từ tháng 1/2007 đến 6/2011 cho thấy, tỉ lệ nhiễm HIV ở 99.878 người bán dâm tại hơn 50 quốc gia là 11,8%. Đó là chưa kể các loại bệnh khác như giang mai, lậu, viêm gan... Một người bán dâm thường có quan hệ tình dục với hàng ngàn lượt khách mua dâm, nên tỉ lệ lây nhiễm cũng như truyền bệnh cho nhau là rất cao. Ngay cả khi có sử dụng các biện pháp an toàn tình dục thì khả năng mắc bệnh hoa liễu khi mua bán dâm vẫn rất cao. Ví dụ, dù có sử dụng bao cao su, tỉ lệ rủi ro lây nhiễm bệnh vẫn vào khoảng 8-9% (do rách, tuột hoặc do tinh dịch thẩm thấu qua màng cao su).

Bên cạnh đó, nhiều bệnh như: Chlamydia, viêm gan, nấm, sủi mào gà... lây nhiễm rất phức tạp qua cả đường miệng, quần áo, khăn tắm, ga đệm... nên bao cao su cũng không thể phòng tránh. Nhiều bệnh như: lậu mủ, Herpes sinh dục, HPV... dù không chết người nhưng cũng không thể chữa khỏi, sẽ để lại di chứng lâu dài và nặng nề (nhất là khi mang thai sẽ lây cho con).

Kết quả nghiên cứu năm 2001 ở Việt Nam cho biết, 51% người bán dâm nghiện ma túy và 27% bị nhiễm HIV, chưa kể các bệnh khác như: viêm gan, lậu, giang mai... Đến 2012, số người bị nhiễm HIV đã tăng lên gần 6.000 ca nhiễm HIV mới, lây qua đường tình dục là nguyên nhân đứng đầu với tỉ lệ 45,6%, chủ yếu là do mua bán dâm gây ra.

Thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức sẽ giúp cho các em học sinh, sinh viên, học viên trong các nhà trường, các cơ sở giáo dục nhận thức được tác hại của tệ nạn mại dâm và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, từ đó đưa ra các phương án xử lí kịp thời.

Thứ hai là những tổn thương về mặt tinh thần: Tổn thương tâm lí có thể là một hậu quả ở những người bị cưỡng bức bán dâm mà kết quả có thể là những bệnh như: rối loạn nhân cách ranh giới, rối loạn thần kinh chức năng tình dục nặng đến mức hoàn toàn mất khả năng cảm nhận bất kì một cảm hứng tình dục cá nhân nào trong lĩnh vực riêng tư.

Thứ ba là về mặt xã hội: Tệ nạn mại dâm có sự móc nối chặt chẽ với các tệ nạn xã hội khác như buôn ma túy, cướp tài sản, buôn người và rửa tiền. Bên cạnh đó, những giá trị thiêng liêng và khuôn khổ đạo đức dần bị mất đi. Tệ nạn mại dâm xúc phạm đến lòng tự tôn dân tộc, gây hoen ố hình ảnh văn hóa quốc gia và là nỗi hổ thẹn cho toàn đất nước. Mại dâm là hành vi chà đạp lên phẩm giá con người.

Theo số liệu thống kê, hiện nay HIV/AIDS đã có ở 100% huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Tệ nạn mại dâm chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới các loại tội phạm khác như tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, tội phạm xâm hại trẻ em, hiếp dâm, cưỡng dâm người chưa thành niên, đặc biệt là tội phạm mua bán người, tệ nạn mại dâm cũng làm gia tăng các băng nhóm xã hội đen chuyên hoạt động bảo kê, bắt cóc, giữ người trái phép, cố ý gây thương tích...

Theo Báo cáo số 125/BC-SLĐTBXH Đồng Tháp ngày tháng 6 năm 2020 về kết quả thực hiện Dự án 4 Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020 và phương hướng giai đoạn 2021-2025, nguồn kinh phí thực hiện Dự án 4, giai đoạn 2016-2020 do ngân sách Trung ương hỗ trợ và nguồn kinh phí bố trí từ ngân sách địa phương để triển khai thực hiện công tác phòng, chống mại dâm Tổng kinh phí thanh toán, giải ngân giai đoạn 2016 - 2019 và ước thực hiện năm 2020 như sau:                                                                                                                                                  

Capture


Năm 2020, đơn vị đã tiếp nhận nguồn kinh phí do Trung ương phân bổ, đến nay, Sở Tài chính đã thẩm định phân khai tiếp tục thực hiện các nội dung Dự án 4 như: Xây dựng chuyên mục truyền hình tuyên truyền về chính sách, pháp luật trong công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy và phòng chống mại dâm; Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho Lực lượng Kiểm tra liên ngành Văn hóa - Xã hội và truyền thông, nâng cao nhận thức và giáo dục pháp luật về phòng, chống mại dâm; Triển khai thí điểm Mô hình “Hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm” tại huyện Lai Vung và tổ chức duy trì Mô hình tại thành phố Cao Lãnh.

Từ những phân tích trên, có thể thấy, tệ nạn mại dâm đe dọa trực tiếp đến bản thân và gia đình của người tham gia, ảnh hưởng tới cuộc sống bình yên của nhân dân và sự phát triển của xã hội. Tệ nạn mại dâm là tiền đề, là nguyên nhân dẫn tới các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm khác, kéo theo rất nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội. Vì vậy, rất cần những giải pháp đồng bộ, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương để hạn chế thấp nhất hoạt động và phát sinh thêm tệ nạn mại dâm, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo vệ truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc, danh dự, nhân phẩm của con người, hạnh phúc gia đình, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, xây dựng và phát triển con người Việt Nam.

3. Tuyên truyền về các thủ đoạn hoạt động của tội phạm mại dâm: Các đối tượng hoạt động mại dâm ngày càng tinh vi, kín đáo, thường xuyên thay đổi quy luật, sử dụng phương tiện thông tin hiện đại liên lạc với nhau để hoạt động nên rất khó trong công tác phát hiện đấu tranh triệt phá. Theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP, ngày 12/11/2013 của chính phủ về xử phạt hành chính đối với người bán dâm và người mua dâm chưa đủ sức răn đe. Công tác quản lí các cơ sở kinh doanh dịch vụ còn lỏng lẻo, chế tài xử lí còn nhẹ nên chủ cơ sở chưa thật sự nghiêm túc chấp hành quy định pháp luật, buông lỏng quản lí để các đối tượng lợi dụng hoạt động mại dâm.

Bên cạnh đó, tội phạm mua bán người vì mục đích mại dâm thời gian gần đây tăng do nguồn lợi mà nó mang lại cao cùng với nhu cầu ngày một tăng. Tuy nhiên, để phát hiện, bắt giữ rất khó khăn do hoạt động này thường núp dưới vỏ bọc của các hoạt động kinh doanh như: môi giới hôn nhân, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động... Cùng với việc trá hình dưới các vỏ bọc đó, nạn nhân của hoạt động tội phạm này thường bị dụ dỗ, mua chuộc, lừa gạt cho nên chính họ cũng không biết mình là nạn nhân.

4. Tuyên truyền chính sách, quy định  nhà nước, của tỉnh về công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều biện pháp phòng, chống tệ nạn mại dâm, trong đó phải kể đến Pháp lệnh số 10/2003/PL-UBTVQH11 ngày 17/3/2003 của Ủy ban thường vụ quốc hội về phòng, chống mại dâm. Theo pháp lệnh này, các Cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình có trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm. Mọi hành vi mại dâm, liên quan đến hoạt động mại dâm phải được phát hiện và xử lí kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia, hợp tác trong hoạt động phòng, chống mại dâm. Nhà nước thực hiện đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, KT-XH, hành chính, hình sự và các biện pháp khác để phòng, chống mại dâm; kết hợp chặt chẽ các biện pháp phòng, chống mại dâm với phòng, chống ma tuý và phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS. Mọi cá nhân và gia đình có trách nhiệm tham gia phòng, chống mại dâm. Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống mại dâm; động viên, khuyến khích việc phát hiện, tố giác, đấu tranh với tệ nạn mại dâm và xử lí kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm.

5. Tuyên truyền, giáo dục phòng, chống mại dâm trong trường học: Tuyên truyền, giáo dục phòng, chống mại dâm trong trường học được quy định tại Điều 6, Nghị định số 178/2004/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của pháp lệnh phòng, chống mại dâm do Chính phủ ban hành với nội dung như sau:

Nội dung tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mại dâm đối với học sinh, sinh viên, học viên trong các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông, các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề bao gồm:

- Tác hại nhiều mặt của tệ nạn mại dâm đối với xã hội, đối với danh dự, nhân phẩm, sức khỏe con người; ảnh hưởng đến vấn đề bình đẳng giới, đến chiến lược phát triển con người ở Việt Nam; Các biện pháp phòng, chống tệ nạn mại dâm; Chính sách và pháp luật phòng, chống mại dâm; Các hình thức xử lí vi phạm pháp luật về mại dâm; Trách nhiệm của công dân trong phòng, chống tệ nạn mại dâm.

Căn cứ vào nội dung trên đây, các trường xây dựng nội dung tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mại dâm cụ thể cho phù hợp với loại hình trường học của mình.

6. Phổ biến cho học sinh, sinh viên, học viên trong các nhà trường và các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh về các biện pháp phòng, chống tệ nạn mại dâm: Tuyên truyền, giáo dục phòng, chống mại dâm là biện pháp quan trọng để mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình chấp hành và tích cực tham gia hoạt động phòng, chống mại dâm. Với quan điểm lấy công tác phòng ngừa làm trọng tâm trong việc thực hiện Chương trình hành động phòng, chống mại dâm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các Bộ, ngành có liên quan và các tỉnh, thành phố tập trung tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, lối sống của cá nhân, gia đình, cộng đồng, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội nhằm phòng ngừa từ xa; tăng cường lồng ghép với các chương trình an sinh xã hội.

Qua công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, các cấp, các ngành, nhà trường và các cơ sở giáo dục sẽ giúp học sinh, sinh viên, học viên được tiếp cận với các quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm, giúp họ hiểu và chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước, hạn chế các vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm.

Nội dung tuyên truyền, giáo dục phòng, chống mại dâm bao gồm: tuyên truyền, giáo dục truyền thống văn hoá, đạo đức, lối sống lành mạnh; tác hại của tệ nạn mại dâm; các chủ trương, chính sách, biện pháp, những mô hình, kinh nghiệm và các quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm. Việc tuyên truyền, giáo dục phòng, chống mại dâm phải kết hợp với tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma tuý và phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS.

Nội dung tuyên truyền, giáo dục phải phù hợp với từng loại hình trường học, trình độ, lứa tuổi, giới tính của học sinh, sinh viên, học viên và phong tục, tập quán của các dân tộc; Phối hợp với gia đình, cơ quan, tổ chức và Uỷ ban nhân dân địa phương quản lí chặt chẽ học sinh, sinh viên, học viên; tổ chức các hoạt động vui chơi lành mạnh để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm; động viên, khuyến khích học sinh, sinh viên, học viên tích cực tham gia vào các hoạt động tuyên truyền, giáo dục phòng, chống mại dâm.

Bên cạnh đó còn giáo dục cho học sinh, sinh viên, học viên nhận thức được việc sống và làm việc theo pháp luật, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn xã hội nói chung và tệ nạn mại dâm ra khỏi môi trường giáo dục, đặc biệt trong bối cảnh các đối tượng xấu tìm mọi cách để lợi dụng, dụ dỗ, lôi kéo học sinh tham gia các hoạt động trái quy định pháp luật trong giai đoạn hiện nay.

7. Phối hợp với các ngành, các cấp chính quyền địa phương trên địa bàn nơi trường đóng, khu vực có sinh viên ngoại trú: Để công tác phòng chống tệ nạn mại dâm trong học đường đạt hiệu quả, các nhà trường và các cơ sơ giáo dục cần phải phối hợp với các ngành, các cấp chính quyền địa phương trên địa bàn nơi trường đóng, khu vực có sinh viên ngoại trú để xây dựng kế hoạch đảm bảo an ninh chính trị, trật tự và an toàn cho sinh viên; giải quyết kịp thời các vụ việc liên quan đến sinh viên.

Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh về công tác đấu tranh phòng, chống mại dâm và tác hại của tệ nạn mại dâm để tự phòng ngừa và tích cực tham gia phòng, chống, góp phần làm giảm tội phạm, tệ nạn mại dâm trong học đường và trong đời sống

Tăng cường hoạt động tuyên truyền phòng, chống mại dâm tại trường học; giáo dục học sinh hiểu biết về tác hại của mại dâm đối với bản thân, gia đình và xã hội, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác đấu tranh phòng chống mại dâm; tập trung ngăn chặn, không để tệ nạn mại dâm xâm nhập vào trường học, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trong và ngoài trường học.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng trong đơn vị không có tội phạm, tệ nạn mại dâm, coi đây là một tiêu chí trong việc đánh giá chi, Đảng bộ trong sạch vững mạnh.

Nâng cao vai trò của các tổ chức, đoàn thể trong việc giáo dục, vận động học sinh không vi phạm pháp luật và các tệ nạn xã hội nói chugn và tệ nạn mại dâm nói riêng.

Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, Công an huyện, Công an xã, thị trấn, thị xã trong công tác phòng chống tệ nạn mại dâm; Kiểm soát, ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả tệ nạn mại dâm xâm nhập vào trường học; đảm bảo 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh không bị tác động bởi các tệ nạn mại dâm.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Hỗ trợ

Bạn thấy website này như thế nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây